CHÍNH LÚC THỨ THA LÀ KHI ĐƯỢC THA THỨ
(13.09.2020 – Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm A)
Lời Chúa: Hc 27,33 – 28,9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.”27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao! “
29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.”30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? “34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.
35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
CHÍNH LÚC THỨ THA LÀ KHI ĐƯỢC THA THỨ
1. Ghi nhớ:
Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. (Mt12,22)
2. Suy niệm:
Chuyện kể rằng: Tại một nhà thờ bên nước Tây Ban Nha có tượng Thánh Giá rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giê-su vẫn còn đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay phải thì đã vuột ra và đưa lên phía trước trong tư thế đang ban phép lành.
Người ta nói về nguồn gốc tượng này như sau: Có một tội nhân đến xưng tội với cha xứ ngay bên dưới cây Thánh Giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một hối nhân có nhiều tội trọng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội rất nặng! Cũng như răn đe rất nhiều. Xưng tội xong hối nhân đi về mà lòng nhẹ nhàng thanh thản. Thế nhưng chứng nào tật ấy, chẳng bao lâu sau phạm lại,cũng những tội như trước, lần này sau khi giải tội xong. Linh mục đe dọa rằng: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh! Về đi và từ nay cố gắng đừng phạm tội nữa”.
Vài ngày sau. Anh này lại đến xin xưng tội, nhưng lần này vị linh mục cương quyết trả lời : “Anh đừng có đùa với Chúa, tôi không thể giải tội cho anh được nữa đâu!”.
Nhưng lạ lùng thay, khi cha vừa khước từ thì bỗng ông nghe có tiếng thì thầm từ trên cây Thánh Giá: “Chính Ta là Người đã đổ Máu ra cứu chuộc người này, chứ không phải là con.” Và Ngài ban phép lành tha tội cho anh.
Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giê-su cứ mãi ở trong tư thế ấy, như thể Chúa mời gọi con người đến để Ngài ban ơn tha thứ.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy Ông Phê-rô ngày xưa, cũng như bảo chúng ta ngày nay là phải luôn mãi tha thứ cho anh em nếu họ vô tình hoặc cố ý xúc phạm làm tổn thương đến ta.
Có một điều rất mâu thuẫn và nghịch lý xảy ra trong tâm tư của mỗi người chúng ta, đó là: Chúng ta cương quyết lên án điều bất công; chúng ta giơ cao tay ủng hộ, đòi hỏi sự công bằng, thế nhưng chúng ta lại không thể hiện và tôn trọng những điều đó. Bằng chứng là chúng ta không tha thứ cho anh em trong khi chính chúng ta lại luôn muốn được Thiên Chúa và anh em tha thứ cho mình, chúng ta sống bất công và bất nhân giống hệt như người bị mắc nợ ông chủ trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúng ta xúc phạm đến Chúa biết bao lần mà vẫn được Ngài thứ tha, thì trong khi đó người anh em chỉ lỗi phạm đến chúng ta một chút thôi là chúng ta đã lộn ruột lên, bắt buộc người anh em đó phải đền trả cho chúng ta một cách quyết liệt! Cho dù người anh em đó có van xin nài nỉ!
“Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ”. Lòng thứ tha có thể dược ví như chiếc chìa khóa để ta mở cửa lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng sẽ tha thứ muôn ngàn tội lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến Ngài. Đồng thời cũng là chiếc chìa khóa để mở cửa cho chúng tìm được sự bình yên thanh thản của tâm hồn. Thật vậy, tâm hồn chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và thánh thoát khi chúng ta thật lòng bao dung, quảng đại mà thứ tha, không thù hận, không oán ghét ai xúc phạm đến mình. Như vậy cuộc sống của chúng ta mới thực sự là một cuộc sống trong than thản, bình an.
Sáng, tối chúng ta thường nguyện lời kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Việc này luôn nhắc nhở chúng ta có tha nợcho anh em thì mới được Thiên Chúa xóa nợ cho mình.
Vả lại, cũng cần phải nhớ rằng, chúng ta đã được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; mà hình ảnh của Ngài là nhân từ, đại lượng, luôn mãi xót thương con người, cho dù con người hay xúc phạm làm Ngài đau đớn. Lời cầu nguyện trên cây Thập Gía xưa đã minh chứng cho lòng rộng lượng, thương xót và hay thứ tha đó: “Lạy Cha xin tha thứ cho chúng vì chúng không biết việc mình làm”.
Chúng ta rất cần được Thiên Chúa tha thứ, vậy lẽ nào chúng ta tự đóng cửa lòng mình lại không muốn tha nợ cho anh em để rồi tự rước lấy cái kết cục đau thương là bị lính hình hành hạ cho đến khi trả hết được đồng xu cuối cùng mới thôi sao?!
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, vì Ngài biết chúng con thân phận mỏng giòn, yếu đuối, chúng con thường sa đi ngã lại trong tội lỗi. Vì thế Chúa đã thiết lập bí Tích Hòa Giải hầu tha thứ những lỗi lầm của chúng con. Xin cho chúng con thành tâm chừa cải tội lỗi của mình, cũng như biết tha thứ những lỗi phạm của anh em. Và như vậy chúng con mới xứng đáng nhận lãnh ơn tha thứ của Ngài. Lạy Chúa xin thương xót chúng con. Amen.
4. Sống lời Chúa:
Cố gắng sống trong tâm tình quảng đại, cao thượng và biết xót thương, không những bỏ qua mọi xúc phạm của người anh em mà còn thành tâm cầu nguyện cho họ để người anh em ngày càng trở nên hoàn thiện hơn!
Đaminh Trần Văn Chính