LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ HAI TUẦN V THƯỜNG NIÊN
Giỗ Thân Phụ Mẫu anh chị em trong Dòng (Dòng Anh Em Giảng Thuyết)
SỐNG LỜI CHÚA
Bài đọc :
Bài đọc 1 : St 1,1-19
Thiên Chúa phán, liền có như vậy.
Khởi đầu sách Sáng thế.
1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. 2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
3 Thiên Chúa phán : “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng. 4 Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. 5 Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất.
6 Thiên Chúa phán : “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước.” 7 Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. 8 Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ hai.
9 Thiên Chúa phán : “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.” Liền có như vậy. 10 Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
11 Thiên Chúa phán : “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống.” Liền có như vậy. 12 Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 13 Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ ba.
14 Thiên Chúa phán : “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. 15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy. 16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn : vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm ; Người cũng làm ra các ngôi sao. 17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, 18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. 19 Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ tư.
Đáp ca : Tv 103,1-2a.5-6.10 và 12.24 và 35c (Đ. c.31b)
Đ. Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !
Áo Ngài mặc : toàn oai phong lẫm liệt,
2acẩm bào Ngài khoác : muôn vạn ánh hào quang.
Đ. Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
5Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời !
6Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
Đ. Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
10Chúa khơi nguồn : suối tuôn thác đổ,
giữa núi đồi, lượn khúc quanh co.
12Bên dòng suối, chim trời làm tổ,
dưới lá cành cất giọng líu lo.
Đ. Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
24Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
35cChúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Đ. Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
Tung hô Tin Mừng : x. Mt 4,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ha-lê-lui-a.
TIN MỪNG : Mc 6,53-56
Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
53 Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.
Hoặc Tin Mừng lễ Giỗ Thân Phụ Mẫu anh chị em trong Dòng : Ga 17,24‑26
“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.”
Tin Mừng Chúa Giê‑su Ki‑tô theo thánh Gio‑an.
Khi ấy, Đức Giê‑su ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.
SUY NIỆM-QUYỀN NĂNG
Một thương nhân nọ bán Kinh Thánh, bị nhóm cướp bắt trong một đêm lạnh lẽo. Sau khi cướp hết tiền, tên đầu sỏ cầm súng ra lệnh quăng tất cả sách Thánh vào lửa. Tức thì, vị thương nhân quỳ xuống và nài nỉ xin tên cướp cho phép được đọc một đoạn sách trước khi đốt đi. Được phép, anh bắt đầu câu chuyện sáng tạo, rồi câu chuyện người Samari nhân lành, sau là bài giảng trên núi. Vừa dứt lời đọc, tên cướp liền lên tiếng: “Ồ! đó là quyển sách quý, đừng đốt nhưng hãy cho tôi.” Vài năm sau, vị thương nhân gặp lại họ, nhưng giờ đây, họ đã là những nhà rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một khung cảnh xáo động của vùng Ghênêxarét. Xáo động vì đã được chứng kiến quyền uy của Đức Giêsu. Uy quyền có thể chữa lành mọi loại bệnh tật mà không cần đến những phương thuốc đặc biệt nào ngoài sự động chạm và những lời uy quyền. Niềm xác tín của dân làng vào quyền năng của Đức Giêsu rất mạnh, đến nỗi họ tin rằng, chỉ cần được chạm đến tua áo của Người thì cũng được khỏi bệnh.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho con có được một niềm tin mãnh liệt, nhờ đó, con có thể đụng chạm được tới Ngài. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
ĐTC Phanxicô: Phụng vụ và cầu nguyện kết hiệp chúng ta với Chúa Ki-tô
Đức Thánh Cha khẳng định rằng không có phụng vụ thì Ki-tô giáo không có Chúa Ki-tô, nó chỉ là duy nội tâm, bởi vì các nghi lễ phụng vụ, Thánh Kinh và các bí tích là những “trung gian cụ thể” để đi đến cuộc gặp gỡ với Chúa, Đấng hiện diện trong Thánh Thần qua các dấu chỉ bí tích. Do đó các Ki-tô hữu không thể chỉ dựa vào việc cầu nguyện cá nhân, mối tương qua của mình với Chúa, theo một linh đạo không để ý đến tầm quan trọng của phụng vụ cộng đoàn.
Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 03/02, Đức Thánh Cha đã bắt đầu loạt bài giáo lý về chủ đề phụng vụ thánh, việc cầu nguyện công khai của Giáo hội. Ngài suy tư về cách mà cầu nguyện phụng vụ liên kết chúng ta với Chúa Ki-tô.
Công đồng Vatican II nhấn mạnh tầm quan trọng của phụng vụ, cùng với việc cầu nguyện cá nhân, đối với đời sống thiêng liêng của các Kitô hữu. Thật vậy, tất cả các linh đạo Kitô giáo đều đặt nền tảng trên việc cử hành các mầu nhiệm thánh, trong đó Chúa Giêsu Kitô, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, hiện diện ở giữa dân Người qua trung gian của các dấu chỉ bí tích là bánh và rượu, nước và dầu. Cũng như trong mầu nhiệm Nhập Thể Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta, thì bây giờ Người cũng hiện diện trong mọi quyền năng cứu độ của Người, qua việc cử hành phụng vụ lời Chúa và bí tích.
Vì phụng vụ là nguồn mạch và là đỉnh cao của lời cầu nguyện Kitô giáo của chúng ta, tất cả Ki-tô hữu được mời gọi tham gia tích cực vào hành động thờ phượng cao cả này, bằng cách dâng hiến cuộc sống của mình trong sự kết hiệp với Chúa Kitô như của lễ thánh thiện và đẹp lòng Chúa Cha.
Cám dỗ thực hành một Ki-tô giáo duy nội tâm, không phụng vụ
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý với lưu ý rằng trong lịch sử Giáo Hội thường có một cám dỗ thực hành một Ki-tô giáo duy nội tâm, không nhận ra tầm quan trọng thiêng liêng của các nghi thức phụng vụ công cộng. Ngài nói: “Thông thường, khuynh hướng này cho rằng mình có sự thuần khiết hơn của một tôn giáo không phụ thuộc vào các nghi lễ bên ngoài, vốn bị xem là gánh nặng vô ích hoặc có hại. Trọng tâm của sự chỉ trích không phải là một hình thức nghi lễ cụ thể, hay một cách thức cử hành cụ thể nào, mà là chính phụng vụ.”
“Thật vậy, trong Giáo Hội, người ta có thể tìm thấy một số hình thức linh đạo không hòa nhập được cách thích hợp với thời điểm phụng vụ. Nhiều tín hữu, trong khi hăng hái tham dự các nghi lễ, đặc biệt là Thánh Lễ Chúa Nhật, lại kín múc nguồn dinh dưỡng cho đức tin và đời sống thiêng liêng của họ từ các hình thức đạo đức cá nhân.”
Phụng vụ và cuộc sống
Đức Thánh Cha nhận định rằng trong những thập kỷ gần đây, Giáo hội đã thực hiện được nhiều tiến bộ liên quan đến đặc tính trung tâm của phụng vụ trong đời sống đức tin. “Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vatican II trình bày một điểm then chốt trong cuộc hành trình lâu dài này. Nó tái khẳng định một cách toàn diện và cơ cấu tầm quan trọng của phụng vụ thánh đối với đời sống của người Kitô hữu, những người tìm thấy trong phụng vụ sự trung gian khách quan xuất phát từ thực tế rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng hay một tình cảm, mà là một Người sống, và Mầu nhiệm của Người là một sự kiện lịch sử.”
“Lời cầu nguyện của Kitô hữu nối kết với những cách diễn tả cụ thể của đức tin như Sách Thánh, các Bí tích, các nghi thức phụng vụ, cộng đoàn. Trong đời sống Ki-tô giáo, chúng ta không bỏ thể qua lãnh vực thể lý và vật chất bởi vì trong Chúa Giê-su Ki-tô nó đã trở thành con đường cứu độ. Chúng ta có thể nói rằng bây giờ chúng ta cầu nguyện bằng thân xác. Thân xác đi vào trong cầu nguyện.”
Việc cầu nguyện dựa trên phụng vụ
Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Không có linh đạo Kitô giáo nào không bắt nguồn từ việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Sách Giáo lý viết: ‘Sứ mạng của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần là công bố, hiện thực và thông truyền mầu nhiệm cứu độ trong Phụng vụ của Hội Thánh; sứ vụ ấy được tiếp nối nơi tâm hồn người cầu nguyện’ (s. 2655). Bản thân phụng vụ không chỉ là lời cầu nguyện tự phát, mà là một điều gì đó còn hơn thế nữa, và nguyên thủy hơn: đó là một hành động hình thành toàn bộ kinh nghiệm Kitô giáo và do đó, hình thành cả lời cầu nguyện. Phụng vụ là một sự kiện, nó đang diễn ra, nó hiện diện, nó là cuộc gặp gỡ. Một cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô.”
Chúa Kitô hiện diện trong Chúa Thánh Thần qua các dấu chỉ bí tích. Đức Thánh Cha nói: “Người Kitô hữu chúng ta cần phải tham dự vào các mầu nhiệm thánh. Một Kitô giáo không có phụng vụ là một Kitô giáo không có Chúa Kitô. Ngay cả trong nghi thức đơn giản nhất, chẳng hạn như nghi thức mà một số Ki-tô hữu đã cử hành và tiếp tục cử hành tại những nơi bị giam giữ, hoặc bí mật trong một ngôi nhà trong thời gian bị bách hại, Chúa Giê-su Ki-tô thực sự hiện diện và ban chính mình cho các tín hữu của Người.”
Tham dự phụng vụ sốt sắng
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng bởi bản chất, phụng vụ mời gọi chúng ta tham dự một cách sốt sắng, để chúng ta có thể nhận được ân sủng Chúa ban qua phụng vụ. Trích lời sách Giáo lý giải thích về điều này: “Cầu nguyện nội tâm hóa và đồng hóa với phụng vụ trong và sau khi cử hành” (sđd), Đức Thánh Cha nhận định rằng nhiều lời cầu nguyện của Ki-tô hữu không bắt nguồn từ phụng vụ, nhưng tất cả những lời cầu nguyện đó, nếu là của Ki-tô hữu, đều giả định là phụng vụ, tức là trung gian bí tích của Chúa Giê-su Ki-tô.
Ngài giải thích: “Mỗi khi chúng ta cử hành một Bí tích Rửa tội, hoặc thánh hiến bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể, hoặc xức dầu thánh cho thân thể một người bệnh, thì Chúa Kitô ở đây! Chúa hiện diện giống như Người đã hiện diện khi chữa lành chi thể đau yếu của một người bệnh, hoặc khi trao ban di chúc của Người trong Bữa Tiệc Ly để cứu độ thế gian.”
Cử hành phụng vụ
Lời cầu nguyện của người Kitô hữu làm cho sự hiện diện bí tích của Chúa Giêsu trở thành của mình. Đức Thánh Cha giải thích: “Những gì bên ngoài chúng ta trở thành một phần của chúng ta: phụng vụ diễn tả điều này ngay cả trong cử chỉ ăn uống rất tự nhiên. Thánh lễ không thể chỉ được ‘lắng nghe’, như thể chúng ta chỉ là khán giả của một điều gì đó trôi đi mà không có sự tham dự của chúng ta. Thánh lễ luôn được cử hành và không chỉ linh mục chủ sự Thánh lễ, nhưng tất cả Ki-tô hữu, những người sống Thánh lễ. Và trung tâm là Chúa Kitô! Tất cả chúng ta, trong sự đa dạng của các ân sủng và thừa tác vụ, tham gia vào hành động của Chúa, bởi vì Người là Nhân vật chính của phụng vụ.”
“Khi những Ki-tô hữu đầu tiên bắt đầu thờ phượng, họ đã làm điều đó bằng cách hiện thực hóa những việc làm và lời nói của Chúa Giê-su, với ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Linh, để cuộc sống của họ, đạt được nhờ ân sủng đó, sẽ trở thành của lễ thiêng liêng dâng lên Thiên Chúa. Cách tiếp cận này là một ‘cuộc cách mạng’ thực sự. Thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Rô-ma: ‘Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người’ (12,1). Cuộc sống được mời gọi để trở thành việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng điều này không thể xảy ra nếu không có cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện trong phụng vụ."
Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý: “Chớ gì ý nghĩ này giúp cho tất cả chúng ta khi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật: Tôi đi cầu nguyện trong cộng đoàn, tôi đi cầu nguyện với Chúa Kitô đang hiện diện. Khi chúng ta cử hành một bí tích rửa tội, thì chính Chúa Ki-tô ở đó, hiện diện, làm phép rửa. Đây không phải là một ý tưởng, một cách nói. Chúa Kitô hiện diện và trong phụng vụ bạn cầu nguyện với Chúa Kitô bên cạnh bạn.”
Hồng Thủy - Vatican News-