LỜI CHÚA: LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY
THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN
SỐNG LỜI CHÚA
Bài đọc :
Bài đọc 1 : Hc 44,1.10-15
Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại.
Bài trích sách Huấn ca.
1Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
10Các ngài là những vị đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
đó là lũ cháu đàn con.
12Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước ;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14Các ngài được mồ yên mả đẹp
và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.
Đáp ca : Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6 (Đ. c.1)
Đ. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.
1Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,
ăn ở theo đường lối của Người.
2Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Đ. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.
3Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái,
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
Đ. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.
4Đó chính là phúc lộc
Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
5aXin Chúa từ Xi-on
xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Đ. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.
5bƯớc chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,
6được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.
Đ. Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.
Bài đọc 2 : Ep 6,1-4.18-23
Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
1 Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. 2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : 3 Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. 4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. 19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng ; 20 tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
21 Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì. 22 Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.
23 Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.
Tung hô Tin Mừng : Tv 111,1-2
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa,
những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.
Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường,
dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng : Mt 15,1-6
Ngươi hãy thảo kính cha mẹ.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng : 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?” 3 Người trả lời : “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Ai nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
SUY NIỆM-CHO ĐI TRONG THẦM LẶNG
Trong một lần trình bày về những hoạt động thiện nguyện của mình và các chị em trong Dòng, Mẹ Teresa Calcutta đã nói rằng: “Quan trọng không phải là chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi.” Dĩ nhiên, sự cho đi trong yêu thương sẽ hoàn toàn không có chỗ cho những ồn ào, náo động.
Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta không thể nào vượt qua được cơn cám dỗ của sự phô trương, khoe mẽ khi chúng ta giúp đỡ hay trao tặng điều gì đó cho người khác, thậm chí ngay cả với chính ông bà cha mẹ là những đấng đã có công sinh thành dưỡng dục nên ta. Dường như việc thiện ích mà chúng ta thực hiện chỉ có ý nghĩa khi được mọi người nhận biết và tán dương. Và như thế, liệu rằng việc tốt chúng ta đã làm thực sự là vì tha nhân? Hãy cẩn thận! Vì có thể, đó chỉ là lớp vỏ bọc bóng bẩy của một cái tôi ích kỷ mà thôi.
Trao ban vốn đã là hành động tốt. Tuy nhiên, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta hãy hoàn thiện hành động ấy hơn nữa khi biết trao ban trong âm thầm và khiêm tốn; tựa như tình yêu và sự hy sinh mà ông bà cha mẹ đã dành cho chúng ta vậy.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sẵn sàng giúp đỡ anh chị em chung quanh chúng con với một trái tim chân thành không toan tính. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO-HÀNH TRÌNH TÂM LINH NHƯ ĐI TÌM TRÂU
(Tiếp hôm qua)
II. Đối chiếu với Kitô giáo
Tóm lại, giữa các thiền sư đã có những dị biệt trong việc giải thích hành trình huyền bí. Liệu có thể đối chiếu với hành trình Kitô giáo được không? Theo cha Ichiro Okumura OCD, giữa hành trình thiền đạo và hành trình Kitô giáo, có những sự khác biệt không nhỏ, tuy nhiên không hẳn là bất khả dung hợp.
1) Những khác biệt
– Sự khác biệt quan trọng nhất ở chỗ hành trình huyền bí không đưa đến sự kết hiệp với Thiên Chúa (theo quan điểm của Kitô giáo), nhưng đến chỗ Vô. Đây là sự khác biệt về tận điểm.
– Một sự khác biệt nữa nằm ngay ở hướng đi của lộ trình. Thực vậy, hướng đi của hành trình không phải là từ Hữu đến Vô, nhưng là đến chỗ khám phá ra Phật tính ở ngay trong mình. Hai loạt bức tranh của Quách Am và Kyotetsu nêu bật điều đó: mục đồng đi tìm con trâu lạc, tức là đi tìm Chân lý (hay Phật tính); anh tưởng rằng chân lý ở mãi tận đâu đâu, nhưng nào ngờ ở ngay trong chính mình. Vì thế cần phải trở lại với chính mình.
2) Những điểm tương đồng
– Ta có thể nhận thấy điểm tương đồng căn bản ở chỗ tất cả các bức tranh đều nói lên một cuộc hành trình. Điều này giả thiết một nỗi khắc khoải của con người muốn tìm biết chân lý, và khiêm tốn thú nhận rằng con người hoặc chưa thấu triệt chân lý hoặc còn bị rơi vào chốn u mê lầm lẫn. Tệ hơn nữa, con người lắm lần muốn đi tìm chân lý, nhưng không biết đường, vì thế tìm không đúng chỗ.
– Mục tiêu của hành trình, ít là theo Quách Am và Kyotetsu, là đi tìm Phật tính, và Phật tính đó nằm ở trong con người. Truyền thống Kitô giáo cũng nhận rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa, tuy cũng thêm rằng hình ảnh đó đã bị méo mó do tội lỗi, vì thế cần được cứu chuộc. Vài giáo phụ đã phân biệt giữa “hình ảnh Thiên Chúa” (imago Dei) và “giống như Thiên Chúa” (similitudo): con người tội lỗi vẫn duy trì hình ảnh Thiên Chúa, nhưng không còn “giống Chúa” nữa. Dù sao, công trình cứu chuộc của Đức Kitô vừa có thể diễn tả như là “trở nên giống Thiên Chúa” (thiên hoá), vừa có thể nói như công đồng Vaticanô II là giúp cho ta trở nên người chân chính hơn.
Thực vậy, chúng ta biết rằng xét cách trừu tượng thì tất cả mọi người đều mang bản tính con người và khác với súc vật; nhưng nhìn dưới khía cạnh luân lý, thì trong chúng ta có “nửa người nửa ngợm”. Vì thế mà nỗ lực của chúng ta là giảm bớt chất ngợm và tăng thêm chất người, để sống hợp với “đạo làm người”. Thánh nhân là con người tuyệt hảo nhất. Vì thế hành trình tâm linh (hay huyền bí) cũng nói được là “trở về với mình”, khám phá cái chân ngã. Triết gia Socrate cũng răn ta “hãy biết mình” (nosce teipsum). Đây cũng là lời răn của nhiều bậc mô phạm Kitô giáo cổ kim[2].
– Vết chân trâu. Hai bức tranh của Quách Am và Kyotetsu cho thấy những vết chân trâu: đó là những bản hướng dẫn hành trình, nghĩa là đạo lý của sách thánh hoặc các tôn sư. Thậm chí trong bức tranh của Kyotetsu, một nhân vật xuất hiện để trỏ cho mục đồng biết hướng để tìm trâu. Trên hành trình tâm linh, ta cần những người hướng dẫn, tuy rằng theo quan niệm thiền tông, người hướng dẫn được ví như ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi: ta hãy ngắm mặt trăng chứ đừng dừng lại ở ngón tay trỏ.
– Vòng tròn trống rỗng có thể giải thích nhiều cách. Có thể hiểu như là sự trở về với hư vô; hoặc có thể hiểu là sự giác ngộ về tính vô thường của vạn vật; hoặc có thể hiểu như là sự siêu thoát hoàn toàn. Con người cần phải lột bỏ tất cả, lột bỏ cả cái “ngã” (cái tôi) cũng như lột bỏ cái ý niệm về Thiên Chúa do mình dựng lên[3]. Thánh Gioan thánh giá đã chẳng nói đến sự thanh luyện đức tin (đêm tối đức tin) đấy ư? Dù sao đi nữa, không nên hiểu cái vòng tròn trống rỗng như là tận điểm của hành trình huyền bí, mà chỉ là chặng cuối cùng của hành trình đó. Sự thanh luyện tuyệt đối được thánh Gioan thánh giá diễn tả qua bài ca bất hủ sau đây:
Để thưởng thức tất cả, bạn đừng thích thú gì hết. Để chiếm hữu tất cả, bạn đừng chiếm hữu gì hết. Để trở nên tất cả, bạn hãy là hư vô trong mọi loài hư vô. Để biết tất cả, bạn đừng muốn biết gì hết. Để tới nơi chưa hề nếm hưởng, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn kinh tởm. Để tới nơi chưa hề biết, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không biết. Để tới nơi mà bạn chưa chiếm hữu, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không chiếm hữu. Để tới nơi mà bạn muốn trở thành, bạn hãy trải qua chỗ mà bạn không tồn tại. Nếu bạn dừng lại ở một điều nào đó, thì bạn sẽ không còn lao mình về tất cả nữa. Bởi vì để đạt tới tất cả trong mọi sự, bạn hãy từ bỏ mình trong mọi sự. Và khi bạn đã đến chỗ có tất cả, bạn hãy chiếm hữu nó mà không muốn gì hết. Bởi vì nếu bạn muốn có cái gì trong tất cả, thì bạn không còn lấy Thiên Chúa là kho báu duy nhất nữa[4].
Một điều đáng lưu ý là bức tranh vòng tròn được xếp vào số 8 nơi Quách Am và số 9 nơi Kyotetsu, nghĩa là chưa phải tận điểm. Hai tác giả này còn muốn cho mô tả sự hoan hỉ của cậu bé sau khi tìm thấy “chân ngã”, một sự hoan hỉ toả lan ra chung quanh, cho xóm làng và thiên nhiên vạn vật.
(Xin xem tiếp ngày mai)
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.