TRỞ VỀ VỚI BẢN THÂN – VỚI CHÚA – VỚI THA NHÂN
Mùa Chay đã về. Sắc tím của phẩm phục phụng vụ, cung điệu của các bài thánh ca cũng như các lời kinh cầu nguyện tạo cho ta một cảm giác trầm buồn, sâu lắng. Trong nghi lễ khai mạc Mùa Chay, khi khiêm tốn đón nhận một chút tro bụi trên đầu, lời thánh ca gọi ta về với thực tại của thân phận con người:
“Hỡi người hãy nhớ, mình là bụi tro,
Một mai người sẽ trở về bụi tro.”
Những bài thánh ca cùng chung một tâm trạng, vừa thống thiết than van vừa quyết tâm mãnh liệt: Con nay trở về, trở về cùng Chúa Chúa ơi!
Sự trở về dựa trên lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa: Ngài là Thiên Chúa, rất nhân hậu và hay tha thứ.
Khi nhìn lên thánh giá, chúng ta tưởng niệm một sự kiện lịch sử đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, qua lời kinh cầu nguyện thống thiết:
-Chúa Giêsu chịu các quan lấy hết áo chia nhau
-Chúa Giêsu còn trên thánh giá chịu thiên hạ nhạo cười (Kinh cầu Chịu nạn).
Cảm nhận thân phận tội lỗi, con người thấy cần được ơn thứ tha. Mùa Chay là mùa sám hối, là mùa trở về để được sống trong tình thân nghĩa với Chúa và với anh chị em mình.
Khi phạm tội, con người hối hận và dằn vặt khôn nguôi, vì tội không chỉ là xúc phạm đến đồng loại mà còn xúc phạm đến Chúa. Người phạm tội chạy trốn chính bản thân mình, đi đâu cũng không thể tìm được nơi ẩn nấp. Tội ác luôn bám sát và ám ảnh tội nhân. Chỉ có tâm tình sám hối và khiêm nhường xưng thú tội lỗi qua bí tích Hòa giải mới có thể đem lại cho họ sự thanh thản, bình an. Cùng với vua Đavít trong Thánh vịnh 50, chúng ta thú tội với Chúa qua lời kinh sám hối đẫm lệ, được thốt lên với tâm trạng hối hận day dứt:
“Vâng, con biết tội mình đã phạm,
Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
Dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 50, 5-6).
Những tâm tình được trải nghiệm trên đây giúp chúng ta trở về với Chúa. Tuy vậy, trước khi trở về với Chúa, chúng ta cần phải hồi tâm cảnh tỉnh, phải trở về với chính mình, nhìn nhận thân phận con người còn vương nhiều lầm lỗi cần được thương xót thứ tha. Trong cuộc sống bon chen quay cuồng, con người có nguy cơ quên mất chính bản thân, thậm chí đánh mất chính mình. Vì không ý thức mình là ai nên người ta dễ kiêu ngạo. Vì cho mình là chuẩn mực nên người ta dễ phủ nhận và loại trừ người khác. Trở về với chính mình để xem xét lại hành vi cử chỉ đã làm, để canh tân sửa đổi, nên con người tốt hơn. Trở về với chính mình còn là việc nhận ra những điểm tốt nơi anh chị em, cảm thông những khiếm khuyết của họ, xây tình liên đới để nâng đỡ và bổ túc cho nhau. Chỉ sau khi đã hồi tâm cảnh tỉnh, chúng ta mới có thể trở về với Chúa, tôn nhận Ngài là chủ đích của đời sống chúng ta và chuyên tâm tuân giữ lời Ngài dạy. Thiên Chúa như người Cha luôn chờ đợi chúng ta trở về.
Một điều kiện căn bản để chứng minh chúng ta có lòng sám hối thật, đó là chúng ta trở về với anh chị em mình. Trở về để nhận ra những người xung quanh là anh chị em con cùng một Cha trên trời, là khiêm tốn nhìn nhận nhiều lần mình đã làm tổn thương họ. Sám hối ăn năn mà không làm hòa với đồng loại, thì chỉ là sám hối giả tạo bề ngoài. Kêu van: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà không thực thi lời Ngài dạy, thì chỉ là những tiếng kêu suông mà thôi. Mùa Chay như điểm dừng của người lữ khách để nhìn lại quãng đường đã đi. Mùa Chay còn là cơ hội để rũ bỏ mọi lỗi lầm bất xứng. Lòng sám hối giúp ta lấy lại nghị lực và niềm tin để tiếp bước lên đường trong sự thanh thản và bình an.
Nghi thức khai mạc Mùa Chay là lời kêu gọi sám hối trở về. Qua nghi thức lãnh nhận tro trên đầu, chúng ta cảm nhận nguồn cội của mình. Qua việc tưởng niệm Chúa chịu chết, chúng ta tuyên xưng tình Chúa yêu thương. Những thực hành truyền thống trong Mùa Chay như ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ, phải hướng chúng ta đến canh tân hối cải, nếu không, sẽ giống như diễn kịch hay trò chơi giải trí hay những hình thức giả tạo bề ngoài (x. Tin Mừng Lễ Tro).
Như người con thứ hoang đàng nhận ra mình lầm lỗi, chúng ta hãy xin Chúa thương tha thứ và ban cho chúng ta niềm vui được sống trong tình Chúa và tình người.
Con người là sa ngã, nhưng thiên thần thì chỗi dậy (Thánh Mary Euphrasia Pelletier)
Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên